Bản đồ quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030 được Gia An Property cập nhật chi tiết trong bài viết sau đây. Mời các bạn cùng theo dõi.

Tổng quan về tỉnh Nghệ An

Tỉnh Nghệ An thuộc vùng Bắc Trung Bộ, nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền các quốc gia Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam – Biển Đông theo đường 7 đến cảng Cửa Lò. Đặc biệt tỉnh còn nằm trên các tuyến du lịch quốc gia xuyên Việt và tuyến quốc tế Vinh – Cánh đồng Chum – Luôngprabang – Viêng Chăn – Bangkok.

Vị trí địa lý của tỉnh Nghệ An như sau:

  • Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa.
  • Phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh.
  • Phía Tây giáp Lào với đường biên giới dài 419 km (Tây Bắc giáp tỉnh Hủa Phăn của Lào và Tây Nam giáp tỉnh Bolikhamxay của Lào).

Tỉnh Nghệ An có tổng diện tích đất tự nhiên là 16.493,7 km², đứng đầu cả nước về diện tích. Thống kê năm 2019, dân số của Nghệ An đạt khoảng 3.327.791 người, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó dân cư khu vực thành thị là 490.178 người, chiếm tỷ lệ 14,7%; dân cư khu vực nông thôn là 2.837.613 người, chiếm tỷ lệ 85,3%. Mật độ dân số của tỉnh là 190 người/km².

Tính đến thời điểm năm 2021, tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị cấp huyện gồm:

  • 1 thành phố: thành phố Vinh.
  • 3 thị xã: thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa.
  • 17 huyện: Con Cuông, Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Tương Dương, Yên Thành, Kỳ Sơn.

Về mặt giao thông, tỉnh Nghệ An có đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa. Trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Bắc Nam dài 94 km, tuyến đường quốc lộ Bắc – Nam (quốc lộ 1A, quốc lộ 15 và đường Hồ Chí Minh) kết nối giao thương khu vực nội ngoại tỉnh và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó Nghệ An còn có tiềm năng du lịch khi sở hữu các danh thắng đẹp, nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Lò, Quỳnh Phương, Diễn Thành, Bãi Lữ với phong cảnh hữu tình, cát trắng nắng vàng, nước biển trong xanh.

Tại Nghệ An còn có khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An Vườn Quốc gia Pù Mát được UNESCO công nhận từ tháng 9/2007.

Ngoài thiên nhiên, Nghệ An còn có nhiều nét văn hóa truyền thống với 24 lễ hội đặc trưng gắn liền sinh hoạt cộng đồng, các làng nghề thủ công lâu đời, di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại được UNESCO công nhận (dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh).

Vùng đất này còn có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng với hệ thống khu di tích lịch sử cấp quốc gia và di tích khảo cổ.

Một số điểm du lịch nổi tiếng của Nghệ An như: Làng Sen – Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, sông Giăng – Con Cuông, Đảo Lan Châu – Cửa Lò, Quảng trường Hồ Chí Minh – TP Vinh, Rừng quốc gia Pù Mát, Đảo Chè – huyện Thanh Chương,…

Bản đồ hành chính tỉnh Nghệ An
Bản đồ hành chính tỉnh Nghệ An

Thông tin quy hoạch thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030

Thành phố Vinh là tỉnh lỵ tỉnh Nghệ An. Thành phố là trung tâm kinh tế – văn hóa lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, là đầu mối giao thương quan trọng tại khu vực biên giới với các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào với Việt Nam.

Thành phố Vinh thu hút được nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh và đầu tư nước ngoài. Do đó quy hoạch tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng trong giai đoạn sắp tới được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay thông tin quy hoạch sẽ trong giai đoạn 10 năm từ 2021 – 2030.

Phạm vị lập quy hoạch thành phố Vinh có diện tích khoảng 250 km2 gồm toàn bộ thành phố Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên. Ranh giới quy hoạch như sau:

  • Phía Đông giáp sông Lam đến Cửa Hội và biển Đông.
  • Phía Tây giáp xã Nam Giang, huyện Nam Đàn và sông Kẻ Gai.
  • Phía Nam giáp quốc lộ 1 (đoạn tránh thành phố Vinh) và sông Lam.
  • Phía Bắc giáp đường Nam Cấm – Cửa Lò và sông Cấm.

Tính chất lập quy hoạch thành phố Vinh

Mục tiêu quy hoạch thành phố Vinh trong giai đoạn 2021 – 2030 như sau:

  • Quy hoạch thành phố Vinh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Nghệ An. Đồng thời là đầu mối giao thông trong khu vực Bắc Trung Bộ, thực hiện các nhiệm vụ tăng trưởng trọng yếu, phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An cũng như toàn vùng Bắc Trung bộ.
  • Là trung tâm của vùng Bắc Trung bộ, đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I, tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, giáo dục – đào tạo, thể dục thể thao, y tế sức khỏe.
  • Đồng thời củng cố vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Thông tin quy hoạch sử dụng đất thành phố Vinh

Đề án lập quy hoạch thành phố Vinh với tổng diện tích khoảng 250 km2. Cụ thể gồm có:

  • Đất dân dụng 114,319 km2 gồm khu vực Vinh – Hưng Nguyên có diện tích 69,468 km2, khu vực Cửa Lò có diện tích 27,574 km2, khu vực Quán Hành – Khu kinh tế Đông Nam có diện tích 15,411 km2 và khu vực nông thôn có diện tích 1,866 km2.
  • Đất ngoài dân dụng 69,419 km2 gồm khu vực Vinh – Hưng Nguyên có diện tích 40,805 km2, khu vực Cửa Lò có diện tích 14,42 km2, khu vực Quán Hành – Khu kinh tế Đông Nam có diện tích 9,963 km2 và khu vực nông thôn có diện tích 4,23 km2.
  • Đất khác, chủ yếu ở khu vực nông thôn và vùng ven có diện tích khoảng 66,27 km2.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Vinh đến năm 2030
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Vinh đến năm 2030

Thông tin quy hoạch không gian vùng thành phố Vinh tỉnh Nghệ An

Không gian đô thị thành phố Vinh chia thành 4 phân vùng, trong đó 3 vùng là vùng phát triển đô thị và vùng còn lại có chức năng là khu vực liên kết.

Phân vùng thứ nhất là đô thị trung tâm gồm có thành phố Vinh hiện tại và mở rộng thêm về phía Tây thuộc huyện Hưng Nguyên với tổng diện tích đất khoảng 110,27 km2, quy mô dân số khoảng 559.000 người. Khu vực 1 đảm nhiệm chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, thương mại và các khu đô thị mới.

Phân vùng thứ hai là khu đô thị Cửa Lò hiện tại và mở rộng thêm về phía Tây thuộc huyện Nghi Lộc với tổng diện tích đất khoảng 41,99 km2, quy mô dân số đạt khoảng 200.000 người. Chức năng của phân vùng thứ 2 là đô thị du lịch biển, khu đô thị mới trọng tâm là thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, giáo dục đào tạo. Hệ thống khu du lịch sẽ được cải tạo và nâng cấp, liên kết với đất liền nhờ hệ thống cáp treo và tàu thủy cao tốc. Đồng thời phát triển làng du lịch với các ngành nghề truyền thống.

Phân vùng thứ 3 là khu vực đô thị Quán Hành – Khu kinh tế Đông Nam có tổng diện tích đất khoảng 25,37 km2, dân số đạt 54.000 người. Chức năng chính của khu đô thị này là đầu mối vận tải hàng hóa, cụm công nghiệp tập trung và phát triển các khu đô thị mới.

Phân vùng thứ 4 là vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven có tổng diện tích đất khoảng 72,37 km2, dân số đạt 87.000 người. Chức năng chính là vùng đệm này là vùng liên kết giữa nông thôn và thành thị. Quy hoạch xây dựng vùng đệm theo hướng nhà ở tập trung truyền thống gắn với các làng nghề có lịch sử văn hóa lâu đời. Đồng thời phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ để gia tăng sản lượng, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái bền vững.

Bản đồ quy hoạch phát triển không gian thành phố Vinh
Bản đồ quy hoạch phát triển không gian thành phố Vinh

Thông tin về quy hoạch giao thông thành phố Vinh

Hệ thống giao thông thành phố Vinh phát triển đầy đủ và toàn diện, lưu thông thông suốt giữa các huyện xã và các tỉnh với nhau.

Giao thông đường bộ:

  • Quy hoạch đường cao tốc Bắc Nam nằm phía Tây thành phố, rộng 100 m với 8 làn xe chạy.
  • Nút giao trục Hưng Tây – Vinh – Cửa Lò kết nối các đô thị trong nội khu.
  • Mở rộng quốc lộ 1A đoạn Nam Cấm – Quán Bánh, quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Vinh, quốc lộ ven biển đi qua Cửa Lò. Đồng thời xây dựng cầu Cửa Hội, cầu Hưng Hòa bắc qua sông Lam thông thương với huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh.
  • Bố trí hệ thống bến xe khách liên tỉnh gồm các bến xe bến xe phía Tây tại xã Hưng Đạo, bến xe phía Bắc tại xã Nghi Kim và bến xe phía Nam tại xã Hưng Lợi.
  • Xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT, tuyến xe buýt nội thị cùng hệ thống đường sắt đô thị với tàu điện ngầm sau năm 2030.
  • Quy hoạch mạng lưới đường nội thị theo hình ô bàn cờ theo hướng Nam – Bắc và Đông – Tây đảm bảo quy chuẩn xây dựng.

Đường hàng không:

Cảng hàng không Vinh được nâng cấp theo quy hoạch sân bay Vinh và quy hoạch phát triển ngành hàng không đã được phê duyệt.

Đường sắt:

Cải tạo nhà ga hiện hữu, bố trí nhà ga đường sắt cao tốc tại xã Hưng Tây và quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc theo kế hoạch phát triển giao thông đường sắt tổng thể đã được duyệt.

Đường thủy:

Bộ Giao thông vận tải phê duyệt xây dựng cảng Cửa Lò trở thành bến cảng tổng hợp, phục vụ cho khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, giao thương quốc tế với nước Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan có thể tiếp nhận cỡ tàu từ 10.000 DWT đến 30.000 DWT. Đồng thời cảng Cửa Lò còn kết hợp bến du thuyền phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng cảng Cửa Hội trở thành cảng cá của vùng với sức tiếp nhận cỡ tàu từ 400 – 1000 DWT. Ngoài ra giao thông đường thủy nội địa trên sông Lam, sông Đào, sông Kẻ Gai cũng được phát triển. Cảng Bến Thủy được chuyển từ cảng hàng hóa sang cảng hành khách và phục vụ du lịch.

Bản đồ giao thông tỉnh Nghệ An
Bản đồ giao thông tỉnh Nghệ An

Trên đây là những thông tin về bản đồ quy hoạch tỉnh Nghệ An. Hy vọng rằng bài viết sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.